Đúc Cửu vị thần công Phan Tấn Cẩn

Sách Đại Nam thực lục cho biết về bộ Cửu vị thần công này như sau:

“Quý Hợi, Gia Long năm thứ 2 (1803)… đúc chín khẩu súng bằng đồng (lấy bốn mùa và năm hành mà đặt tên, cái thứ nhất là Xuân, nặng hơn 17.700 cân, cái thứ hai là Hạ, nặng hơn 17.200 cân. Cái thứ ba là Thu, nặng hơn 18.400 cân, cái thứ tư là Đông, nặng hơn 17.800 cân, cái thứ năm là Mộc, nặng hơn 17.100 cân, cái thứ sáu là Hỏa, nặng hơn 17.200 cân, cái thứ bảy là Thổ, nặng hơn 17.800 cân, cái thứ tám là Kim, nặng hơn 17.600 cân, cái thứ chín là Thủy, nặng hơn 17.200 cân). Đúc xong, làm bài minh để ghi”[5].

Như vậy, chín khẩu súng bằng đồng này, về tên gọi đều có tên riêng, được đặt theo tên của bốn mùa (Xuân, Hạ, Thu, Đông) và tên của Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), khẩu nặng nhất có trọng lượng là 18.400 cân, khẩu nhẹ nhất 17.100 cân. Cả chín khẩu này có chiều dài là 5,10m, “đường kính nòng 0,23m, nòng dày 0,034m, phía sau đo vòng quay được 2,60m. Trên thân súng có sáu gờ nổi, có trang trí tám dải hoa văn chạy quay thân súng. Giữa thân súng có gắn hai quai khắc hình hai con lân, uốn cong hình dấu ngã”[6]. Vào năm 1816, vua Gia Long đặt tên cho các khẩu súng này là Thần oai vô địch thượng tướng quân.

Về tên tuổi của những người tham gia trong hội đồng đốc công chế tạo súng thì sách Đại Nam thực lục không thấy đề cập đến. Tuy nhiên, trên phần thân súng vẫn còn thấy rõ tên tuổi, chức tước của bốn người đảm trách nhiệm vụ đúc súng, trong đó có Ngài Cẩn Tín hầu Phan Tấn Cẩn: “工 部 參 知 兼 理 圖 家 謹 信 侯 臣 潘 晉 謹 奉 董 飭”. “Công bộ Tham tri kiêm lý đồ gia Cẩn Tín hầu thần Phan Tấn Cẩn phụng đổng sức”.

Năm 1914, trên tập san nghiên cứu Bulletin Des Amis Du Vieux Hue (BAVH), Giáo sư H. Lebris có đăng bài khảo cứu “Các súng thần công của Kinh thành Huế”. Đây là bài viết khá công phu và tỉ mĩ, mà tác giả là một học giả người Pháp đã cho người đọc thấy rõ từ thời gian, quá trình đúc, kích cỡ, trọng lượng súng, cách hướng dẫn nạp đạn đến quá trình di dời súng cũng như sự kính trọng của quân dân trước bộ “Thần oai vô địch” này. Đề cập đến hội đồng đúc súng này, tác giả đưa ra một nhận xét khá lý thú rằng:

“Cần để ý đến các chức tước phong cho những giám thị đúc súng gồm có hai phần: các chức hầu là ngang với marquis và các tên của các quan lại như Khiếm hòa, Cẩn thận, Hiếu thuận, Cẩn tín và tên ghép của người đúc tính do vua đặt và phong cho. Như vậy, chức tước vua ban cho ông Nguyễn Văn Khiêm thiếu tướng, một marquis đáng kính nể và Hoàng Văn Cẩn là đại úy marquis, người cẩn thận tước của ông Ích Văn Hiếu, trung úy, và ông Phan Tấn Cẩn, Tham tri bộ Công cẩn mật và đáng tin”[7].

Như vậy, để đúc thành công 9 khẩu súng Thần oai vô địch này, vua Gia Long đã rất thận trọng, tinh tuyển lựa chọn ra những con người ưu tú nhất, không chỉ vững vàng về trình độ chuyên môn mà còn hội tụ những đức tính cao đẹp (Khiêm hòa, Cẩn thận, Hiếu thuận, Cẩn tín) để có thể đặt trọn vẹn niềm tin vào họ. Thật vậy, bộ Cửu vị thần công là một kiệt tác bằng đồng có giá mỹ thuật hết sức quý báu, chắc hẳn ngày xưa triều đình đã phải trưng tập, huy động một lực lượng nhân công khá lớn và có trình độ chuyên môn cao. Để trở thành sản phẩm như chúng ta thấy được ngày hôm nay, hẳn cả một ekip phải làm việc không biết mệt mỏi, từ khâu thiết kế bản vẽ đến tính toán hàm lượng đồng sử dụng, hình ảnh, họa tiết trang trí được cân nhắc hết sức tỉ mĩ. Đây là quá trình chuyển hóa những ý tưởng từ trên bản vẽ đến việc tạo khuôn, nấu đồng… cho đến lúc thành phẩm. Rõ ràng, đây là công lao của sự hiệp sức một đội ngũ lành nghề và vai trò của cụ Phan Tấn Cẩn trong hội đồng đúc súng này chiếm một vị trí rất quan trọng.

Liên quan